Tin tức
Một Sài Gòn - trung tâm Đông Nam Á không còn là viển vông!
Tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành phố Sài Gòn – Gia Định được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức vào cuối tuần trước, một lần nữa người đứng đầu Thành ủy TP.HCM lại nhắc đến một điều mà cách đây vài tháng, khi vừa nhậm chức Bí thư thành ủy, ông đã khẳng định: Sẽ đưa TPHCM giành lại vị trí số 1.
Song lần này, với một niềm tin rất lớn vào khát vọng Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn đông sẽ trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, khoa học - công nghệ của Đông Nam Á, Bí thư Thăng khẳng định đây là khát vọng hoàn toàn chính đáng và không có gì là viển vông.
Đi trước về sau: Khát vọng giành vị trí số 1 vẫn luôn trăn trở
Ông nói: "Từ một thành phố với quy mô kinh tế tổng giá trị ước hơn 2,5 tỷ đồng, nay đạt hơn 957.000 tỷ đồng; một thành phố còn nhiều khu nhà lụp xụp, kênh rạch phần lớn ô nhiễm, đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho trên 36.000 hộ dân, mang lại màu xanh cho những dòng kênh này".
Sự phát triển ngày càng lớn mạnh của TPHCM làm cơ sở để người đứng đầu thành ủy Thành phố có thể tin tưởng nhiều hơn vào khát vọng đưa Sài Gòn vươn lên vị trí số 1 - khát vọng mà bất kỳ người dân Sài Gòn nào cũng hướng đến.
Niềm tin ấy của Bí thư Thành ủy, cũng là niềm tin của người dân TPHCM khi nhìn lại lịch sử, từ những năm 1772, Gia Định (tên thời bấy giờ) đã là một kinh đô phát triển bậc nhất, trở thành nơi giao thương sầm uất, phát triển đồ sộ và lớn gấp rưỡi kinh thành Huế chỉ trong 18 năm.
Từng đi trước và vượt xa so với nhiều thành phố lớn khác trong khu vực như Thâm Quyến, Phố Đông (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Singapore, song lại bị tụt lại phía sau, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra rằng nếu như trước đây Singapore chỉ là đảo quốc hoang vu, Bangkok thì ít người nhắc đến, những quốc gia này đã lấy Sài Gòn như hình tượng để phát triển theo.
"TP HCM hiện phát triển hơn nhiều so với thời Hòn ngọc Viễn Đông nhưng những bước tiến đạt được chưa tương xứng tiềm năng, chưa đáp ứng yêu cầu đua tranh với các thành phố có vị thế, chức năng tương tự trên thế giới. Những thành phố như Bangkok, Singapore, Busan... đã vượt lên, dù TP HCM có xuất phát điểm tốt hơn", ông Thiên nói.
Bí thư Thăng từng nói, TPHCM không phải giành lại vị trí số 1, mà trên thực tế đã ở vị trí số 1. Người đứng đầu thành ủy nhận thức rõ, sự tụt hậu của TPHCM có nguyên nhân chủ quan và khách quan, là "sự thật cay đắng" song ông cho rằng hiện tại không phải là đổ lỗi cho nhau, mà kêu gọi người dân Thành phố cùng nhau phấn đấu hết mình để trước hết giữ vững vị trí đầu tàu của TPHCM, sau là thực hiện khát vọng lớn hơn, đưa TPHCM trở thành trung tâm lớn về tài chính, kinh tế, khoa học của khu vực.
Còn nhiều việc để tháo vòng kim cô
Những trăn trở của Bí thư Thăng có lẽ đã khiến cho người đứng đầu Thành ủy Thành phố luôn đau đáu suy nghĩ trong suốt thời gian ông nhậm chức vừa qua. Bởi vậy mà trong bất cứ cuộc họp nào của Thành phố, liên quan đến sự phát triển của Sài Gòn, bàn về đường hướng phát triển, ông đều thể hiện rõ nỗi trăn trở này, và luôn tích cực "đòi" cơ chế từ Trung ương cho Thành phố để từng bước tháo gỡ những nút thắt.
Hiện nay, tốc độ phát triển kinh tế của thành phố gấp 1,6 đến 1,7 lần cả nước, tổng sản phẩm quốc nội chiếm 21 % và đóng góp hơn 30% ngân sách cả nước và là một trong những địa phương thu hút FDI lớn. TP.HCM đối với cả nước thể hiện ở vai trò là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hoá, khoa học kỹ thuật của cả nước, cho dù chỉ chiếm 0,6% diện tích tự nhiên, 8,8% dân số.
Bên cạnh câu chuyện thể chế, cơ chế hiện tại đang bó buộc thì việc TPHCM phải đóng góp quá nhiều ngân sách cho Trung ương đang khiến cho TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Fulbringt phải thốt lên: TPHCM có quá nhiều vòng kim cô, kìm hãm sự phá triển. Dẫn chứng, các chỉ tiêu kinh tế của TP HCM gấp 1,5 – 2 lần, nhưng được chi ngân sách chỉ bằng 90% so với Hà Nội (số liệu trong 10 năm qua).
PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng đồng tình quan điểm như trên và cho rằng, việc có cơ chế về ngân sách để TPHCM có thể trở thành con rồng của châu Á, là vấn đề cần được tháo gỡ hàng đầu. Không còn cơ chế xin cho, là một TPHCM đầu tàu của cả nước, nhưng lại phát triển như 62 tỉnh, thành phố khác, nên việc để cho Thành phố vượt lên trên quy định hiện nay và trở thành trung tâm hội nhập là cần thiết.
Trở lại nỗi trăn trở của Bí thư Thăng, đã phần nào được tháo gõ từ sau chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng ý cho TPHCM được thực hiện một số chính sách kiến nghị liên quan đến phát triển kinh tế, hạ tầng, tự chủ và xã hội hóa dịch vụ... Tuy nhiên, để một TPHCM có thể phát triển mạnh hơn, trở thành trung tâm Đông Nam Á, thì vẫn còn nhiều việc phải làm và thách thức đặt ra cho ông Bí thư trong thời gian tới.
Nguồn: http://cafef.vn/mot-sai-gon-trung-tam-dong-nam-a-khong-con-la-vien-vong-20160704173639331.chn